Lứa tuổi mầm non là thời kỳ khởi đầu rất quan trọng đối với sự phát triển của các con. Tạo dựng thói quen đọc sách và yêu sách ngay từ nhỏ là một việc làm quan trọng của gia đình và nhà trường để giúp trẻ có một nguồn vốn dồi dào cho việc hình thành và phát triển nhân cách. Điều này sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống. Vì thế, bố mẹ hãy luôn tạo cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ nhỏ bằng các cách hiệu quả dưới đây.
1. Chọn đúng loại sách dựa vào độ tuổi và sở thích của trẻ
Trẻ nhỏ nên được làm quen với sách càng sớm càng tốt. Khi mua sách, cha mẹ cần dựa trên độ tuổi cũng như tính cách của trẻ để chọn ra những cuốn sách phù hợp. Ví dụ, trẻ là con gái và thích búp bê, các nhân vật hoạt hình cổ tích… thì cha mẹ có thể cho bé tiếp cận ban đầu với các cuốn sách có hình ảnh minh hoạ về các câu chuyện cổ tích nổi tiếng trên thế giới. Có rất nhiều cuốn sách phù hợp cùng thiết kế đẹp mắt để trẻ làm quen với sách giấy. Sách có hình ảnh tươi sáng, rõ nét và chỉ có không quá 10 từ mỗi trang sẽ rất phù hợp với các em nhỏ.
2. Thử dùng truyện tranh
Với trẻ con, nhứng thứ nhiều màu sắc và có hình ảnh minh hoạ sinh động đều trở nên vô cùng thu hút sự tập trung của chúng. Vì vậy, việc học bảng chữ cái cũng có thể trở nên thú vị nhờ hình ảnh minh hoạ. Hãy bắt đầu bằng những quyển truyện có nhiều tranh vẽ, đây là bước đầu tiên khá hiệu quả khi giới thiệu sách với trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em từ 2 tới 3 tuổi nên được làm quen với truyện tranh có hình ảnh minh hoạ lớn và ít lời. Những cuốn sách tranh tương tác cũng rất phù hợp với độ tuổi này. Khi trẻ lớn hơn, ví dụ như 3-5 tuổi, chúng có thể xử lý những câu từ, hình ảnh và cốt chuyện phức tạp hơn.
Đặc biệt, khi cùng trẻ đọc sách, che mẹ nên dùng tay để chỉ vào các từ ngữ khi đọc và để trẻ tự lật trang sách. Thường thì trẻ thích đọc đi đọc lại một cuốn sách mà chúng thích. Đây là khởi đầu của việc đọc sách, trẻ sẽ ghi nhớ câu chuyện và liên hệ với các hình ảnh.
3. Bắt đầu với câu chuyện bé thích
Nếu con thích hươu cao cổ hay cá heo, bố mẹ nên tìm mua những quyển sách có sự hiện diện của các nhân vật này(trong câu chuyện hoặc hình ảnh minh họa). Mặt khác, trẻ em nhận diện và ghi nhớ rất lâu những hình ảnh đem lại cảm xúc tốt đẹp. Vì vậy, bạn đừng bắt bé đọc những chủ đề có ích nhưng khô khan, bé sẽ sớm lảng tránh và mất dần tình yêu với sách. Hãy để cho bé tự chọn những cuốn sách chúng thích với những chủ đề sách gắn bó với nhân vật, hình ảnh, câu chuyện trẻ yêu thích sẽ giữ chân các em lại với thói quen đọc. Mỗi khi nhắc đến sách, bé sẽ nhớ về cá voi, công chúa váy hồng, siêu nhân… và không bị cảm giác căng thẳng khi tương tác với sách.
Hãy biến sách càng gần gũi với đời sống hằng ngày thông qua việc tương tác với trẻ bằng những nhân vật mà chúng thích. Khi đọc sách bạn có thể minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn hay đơn giản là bạn hóa thân vào nhân vật trong sách, khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật ấy, chúng sẽ chủ động tìm những điểm hay trong sách.
4. Cha mẹ là tấm gương đọc sách cho trẻ
Sinh hoạt cùng một không gian với những người xung quanh, trẻ sẽ có xu hướng chú ý vào những việc bạn đang làm và bắt chước làm theo những hình ảnh mà chúng thấy hằng ngày. Trẻ sẽ tự tìm hiểu xem cha mẹ đang làm gì mà rất say sưa, chăm chú. Vì vậy, lúc đó bạn có thể giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi thú vị và hỏi con có muốn chơi cùng không. Tiếp theo, bạn hãy cùng con đọc sách và bạn đọc sách cho con nghe. Đây cũng chính là một bước hữu ích để khiến trẻ tập trung sự chú ý vào việc đọc sách.
5. Hãy tương tác với trẻ về sách
Khi trẻ đã đọc gần xong hoặc hoàn thành một cuộc sách, hãy bắt đầu trao đổi thường xuyên với con hơn về chủ đề, nội dung mà chúng đã đọc được. Có thể bắt đầu bằng việc đặt ra những câu hỏi hỏi đơn giản như: “Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?”, “Cuốn sách con đang đọc có nội dung là gì thế?”, “Qua câu chuyện này con có thấy được được điều gì thú vị không?”
Đây là những câu hỏi rất đơn giản như một cuộc trò chuyện bình thường nhưng lại có tác động tích cực trong việc giúp trẻ phát huy trí não, ngôn ngữ, cách diễn đạt cũng như phản xạ. Lúc này, trẻ sẽ hăng hái kể cho bạn nghe về những gì chúng đã đọc được trong sách. Bạn cũng có thể thông qua những gì trẻ diễn đạt để hiểu hơn về tính cách của trẻ cũng như đặt những câu hỏi để hướng đến những điều mà bạn muốn chúng thực hiện. Về lâu dài, hay tăng lên mức độ khó cho các câu hỏi để kích thích tư duy của trẻ nhiều hơn, ví dụ: “Theo con thì nội dung của câu chuyện có gì hay?”, “Con có nghĩ anh chàng trong câu chuyện con vừa đó đã làm việc đúng đắn hay chưa? Vì sao?”, “Nếu là con, có có thích được như nhân vật đó không, vì sao?”…
Mặt khác, bạn hãy đưa những kiến thức mà trẻ đã đọc được từ sách vào áp dụng thực tế như, nếu trẻ đọc xong một câu chuyện về sự hiếu thảo, bạn hãy thảo luận cùng với trẻ về: “Sự hiếu thảo trong gia đình được thể hiện như thế nào?” hay “Để hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì con nên làm gì?”. Tất nhiên là bạn không nên tán thưởng và khuyến khích mỗi khi trẻ làm được một điều gì đó mà chúng đã áp dụng vào thực tế từ những kiến thức chúng đã được đọc từ sách.
Đừng quên biến sách thành những câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh để khiến việc đọc sách của trẻ trở thành một thói quen tự nguyên và vui vẻ. Trẻ không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào chính vì vậy bạn hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.
6. Làm kệ sách
Nếu gia đình bạn không có kệ sách và không có sách mới, bé sẽ không có cơ hội làm quen với “người bạn sách” – khó hình thành thói quen đọc sách. Vì vậy, hãy bắt đầu với một kệ sách nhỏ cho bé và đặt kệ sách ở những nơi gần trẻ nhất để trẻ có thể lấy chúng một cách dễ dàng, đặt biệt là ở trong phòng riêng của trẻ, bé sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích. Hãy “giao kèo” với trẻ rằng những cuốn sách trong kệ sách này là “tài sản” riêng của trẻ, chúng cần có trách nhiệm bảo quản, thậm chí kết nạp thêm vào kệ những quyển mới hàng tuần hoặc hàng tháng. Có sách đúng chủ đề yêu thích, sách luôn kề bên sẽ nhắc nhở con niềm vui đọc sách mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn hãy sắp xếp thời gian dẫn con đi nhà sách hay hội chợ sách. Chúng có thể lăn lê nằm trên sàn với sách đầy hứng thú. Khi đi nhà sách, thay vì mua sách cho trẻ theo ý của mình, bạn hãy dẫn trẻ đến các kệ sách phù hợp với lứa tuổi và đưa ra các câu hỏi gợi ý cho trẻ cách chọn như: “Mẹ thấy quyển sách này đẹp quá”, “Bố thấy nhân vật này ngộ nghĩnh quá… con thấy có thích không? Nếu thích con có thể chọn chúng”…
6. Hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, bố mẹ nên dành thời gian cùng bé đọc 1, 2 trang sách. Thói quen mỗi ngày này dù chỉ kéo dài 10 – 20 phút (tương tự như chơi điện thoại, máy tính bảng) nhưng sẽ dần hình thành trong bé sự hứng thú, thói quen cũng như không nản lòng khi khám phá nội dung sách đồng thời cũng giúp chúng thư giãn trước giờ đi ngủ, trẻ sẽ có giấc ngủ sâu và thoải mái hơn.
Cha mẹ cũng nên chú ý tăng dần thời gian đọc theo độ tuổi để bé có thể tìm hiểu những nội dung thú vị, sâu sắc hơn từ sách và tăng độ chú ý khi tìm hiểu kiến thức.
——————————————————
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Cở sở 1: Số 598 – Đường Kim Giang (Linh Đàm)
Cơ sở 2: T18 Park Hill – Times City – Minh Khai
Cơ sở 3: Số 14 Nguyễn Chính – Tân Mai
Hotline: 0982185055 / Lễ tân: 0984779820
Website: https://leocampus.edu.vn/
Fanpage của trung tâm: https://www.facebook.com/leocampus.edu.vn
Fanpage sách tiếng Anh: https://www.facebook.com/LeoBookstore/